GIỚI THIỆU TỔNG QUAN VỀ
ĐẠI HỌC HUẾ

-----♦-----

Đại học Huế : Tên giao dịch bằng tiếng Anh: Hue University; viết tắt là HU

Đại học Huế có mô hình đại học quản lý 2 cấp trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Đại học Huế là đầu mối được giao các chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước hàng năm, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng. Giám đốc và các Phó giám đốc Đại học Huế do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo bổ nhiệm.  

- Các trường đại học, viện nghiên cứu, các khoa, trung tâm, đơn vị trực thuộc Đại học Huế có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng.

Đại học Huế được thành lập tháng 4/1994 theo Nghị định 30/CP của Chính phủ trên cơ sở tổ chức và sắp xếp lại các trường đại học và cao đẳng trên địa bàn thành phố Huế. Đại học Huế kế thừa truyền thống Viện Đại học Huế ra đời từ năm 1957 và cụ thể được tóm lược các mốc lịch sử phát triển như sau:

1957

Viện Đại học Huế được thành lập ngày 1/3/1957. Sự ra đời của Viện Đại học Huế là một mốc quan trọng đánh dấu bước phát triển mới của nền giáo dục Đại học Việt Nam: đây là cơ sở đào tạo đại học đầu tiên ở miền Trung được khai sinh và cũng là một trong những Viện Đại học có bề dày truyền thống, có quá trình xây dựng lâu dài ở nước ta.

Năm 1957, Viện Đại học Huế có 4 phân khoa: đó là: Khoa học, Sư phạm, Văn khoa và Luật khoa. Hai năm sau (1959), một phân khoa mới được thành lập là Y khoa.

1975

Sau khi đất nước được hoàn toàn thống nhất, Viện Đại học Huế có sự thay đổi về mô hình tổ chức và quản lý. Tổ chức Viện không còn, thay vào đó là mô hình trường độc lập trực thuộc các bộ chủ quản gồm Trường đại học Tổng hợp, Trường Đại học Sư phạm, Trường Đại học Y khoa.

1994

Sau 18 năm hoạt động, để phù hợp với tình hình và điều kiện cụ thể của đất nước trong giai đoạn mới, ngày 4/4/1994, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 30/CP thành lập Đại học Huế trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại các trường đại học, cao đẳng trong khu vực. Một lần nữa Đại học Huế được tổ chức lại theo hướng xây dựng một Đại học đa lĩnh vực – mô hình phổ biến của Đại học Thế giới. Lúc này, Đại học Huế gồm có các đơn vị: Trường Đại học Khoa học, Trường Đại học Sư phạm, Trường Đại học Nông Lâm (tiền thân là Đại học Nông nghiệp 2 Hà Bắc được chuyển về Huế, sáp nhập thêm trường Cao đẳng Nông-Lâm-Súc Huế và đổi tên thành Trường Đại học Nông lâm Huế), Trường Đại học Y khoa, Trường Đại học Nghệ thuật cùng các Trung tâm NCKH và đào tạo khác như: Trung tâm Đào tạo Từ xa (1995), Trung tâm Tài nguyên Môi trường và Công nghệ Sinh học (1995).

2002

Trường Đại học Kinh tế trực thuộc Đại học Huế được thành lập theo Quyết định số 126/QĐ-TTg ngày 27/9/2002 của Thủ tướng Chính Phủ trên cơ sở Khoa Kinh tế - Đại học Huế (thành lập năm 1995).

2004

Trường Đại học Ngoại ngữ trực thuộc Đại học Huế được thành lập theo Quyết định số 126/2004/QĐ-TTG ngày 13 tháng 07 năm 2004 của Thủ Tướng Chính phủ trên cơ sở sáp nhập các khoa, bộ môn ngoại ngữ của các trường thành viên Đại học Huế.

Cũng trong thời gian này, các trung tâm khác được thành lập: Trung tâm CNTT, Trung tâm Học liệu, Trung tâm Phục vụ Sinh viên.

2005

Khoa Giáo dục Thể chất – Đại học Huế được thành lập trên cơ sở chuyển đổi chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm Giáo dục Thể chất Đai học Huế.

Cũng trong thời gian này, Nhà Xuất bản Đại học Huế được thành lập.

2006

Ngày 03/5/2006, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký quyết định số 2155/QĐ-BGD&ĐT thành lập Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị trên cơ sở Văn phòng đại diện Đại học Huế tại Quảng Trị được thành lập từ năm 2005 do Giám đốc Đại học Huế ký quyết định.

2007

Ngày 26/3/2007, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định số 334/QĐ-TTg đổi tên Trường Đại học Y Khoa trực thuộc Đại học Huế thành Trường Đại học Y Dược trực thuộc Đại học Huế.

Theo quyết định số 1080/QĐ-ĐHH-TCNS của Giám đốc Đại học Huế, ngày 14/11/2007 Trung tâm Tài nguyên, Môi trường và Công nghệ sinh học đã chính thức chuyển thành Viện Tài nguyên, Môi trường và Công nghệ sinh học.

2008

Khoa Du lịch trực thuộc Đại Học Huế được thành lập theo quyết định 020/QĐ-ĐHH-TCNS của Giám đốc Đại học Huế ngày 14/1/2008 dựa trên yêu cầu tổ chức lại các chuyên ngành đào tạo có liên quan đến du lịch tại Đại Học Huế.

2009

Khoa Luật trực thuộc Đại học Huế được thành lập theo Quyết định số 868/QĐ-ĐHH-TCNS ngày 19 tháng 8 năm 2009 của Giám đốc Đại học Huế.

2015

Trường Đại học Luật được thành lập theo Quyết định số 274/QĐ-TTg ngày 03/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ

 

Sau 60 năm xây dựng và phát triển, hiện nay, Đại học Huế có 08 trường đại học thành viên là: Trường Đại học Khoa học, Trường Đại học Sư phạm, Trường Đại học Y Dược, Trường Đại học Nông lâm, Trường Đại học Nghệ thuật, Trường Đại học Kinh tế, Trường Đại học Ngoại ngữ; Trường Đại học Luật, 02 khoa trực thuộc: Khoa Giáo dục Thể chất, Khoa Du lịch;  Phân hiệu tại tỉnh Quảng Trị; 6 trung tâm đào tạo, nghiên cứu,  phục vụ, Viện nghiên cứu và Nhà xuất bản.

Là một trong 5 đại học quản lý theo mô hình 2 cấp của cả nước, Đại học Huế được Chính phủ xác định là một trong 14 đại học trọng điểm quốc gia. Nhiệm vụ chính của Đại học Huế là đào tạo cán bộ khoa học có trình độ đại học và trên đại học, nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội miền Trung – Tây Nguyên và cả nước.

Với mục tiêu phát triển đến năm 2020 là "Xây dựng Đại học Huế thành trung tâm đào tạo đại học và sau đại học đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc gia và khu vực; là trung tâm nghiên cứu khoa học chuyển giao công nghệ mạnh về các lĩnh vực khoa học tự nhiêm xã hội – nhân văn, giáo dục, quản lý, nông nghiệp, y dược, kỹ thuật và công nghệ nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội vùng và khu vực", Đại học Huế mong muốn được hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm trong đào tạo, nghiên cứu khoa học với các đại học, các viện nghiên cứu, các đơn vị hữu quan và bạn bè đồng nghiệp trong nước và quốc tế.